Nguyên tắc chăm sóc bé mẹ không thể bỏ qua
Trẻ sơ sinh là những thiên thần non nớt của mẹ. Mới chào đời nên em bé sẽ rất dễ bị các tác nhân ngoài môi trường tấn công. Vậy làm sao để mẹ có thể chăm sóc và tạo điều kiện tốt nhất cho các bé phát triển và hoàn thiện?
Sau đây là một số nguyên tắc giúp mẹ chăm sóc bé an toàn và tốt nhất. Hi vọng chúng có ích với các mẹ.
1. Bảo vệ em bé khỏi nguy cơ nhiễm trùng
Khi vừa chào đời, hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu. Trẻ chỉ nhận được hệ miễn dịch thụ động từ sữa mẹ nên trẻ rất nhạy cảm với các loại nhiễm trùng bởi vì hệ thống miễn dịch của bé chưa phát triển đầy đủ, còn rất non yếu. Nên mẹ cần hết sức cẩn thận vì trẻ dễ mắc các bệnh lây nhiễm.
Vì vậy, mẹ nhớ rửa tay thật sạch với xà bông tiệt trùng, thay quần áo khi bạn mới tiếp xúc với bụi, bẩn trước khi bế bé. Ngoài ra mẹ nhớ lưu tâm các vùng dễ nhiễm khuẩn như rốn, mắt em bé. Nơi ở của bé cũng cần phải ấm, thoáng, sạch sẽ, tránh gió lùa và tránh nhiễm bẩn.

Ảnh: Sưu tầm Internet
2. Nâng đỡ vùng đầu và cổ cho em bé
Xương sống và xương vùng cổ của trẻ sơ sinh chưa phát triển đủ nên rất yếu và dễ bị tổn thương. Mẹ nhớ thật nhẹ nhàng và nâng niu vùng đầu và cổ cho bé. Khi bế bé, một tay của mẹ phải luôn luôn đặt dưới cổ để đỡ lấy cổ và đầu bé. Còn tay kia luồn dưới lưng và mông bé để đỡ phần thân dưới một cách chắc chắn. Khi đặt bé nằm, bạn cũng phải nhớ đặt đầu bé xuống trước, trong quá trình đặt, luôn giữ chắc chắn đầu bé.
3. Thói quen lắc bé chưa hẳn là tốt
Người lớn vẫn thường có thói quen lắc bé để dỗ bé cười, hoặc đánh thức bé dậy. Nhưng cách này thực sự rất nguy hiểm. Vì cơ thể của trẻ còn rất yếu mềm, thiếu vững chắc. Khi bị lắc mạnh, hộp sọ của bé sẽ bị tổn thương. Các mạch máu có thể bị rách, chảy máu và gây thương tổn trong não không thể chữa được dẫn đến tử vong.
Khối cơ của cổ còn yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được có thể gây sang chấn.
4. Ba mẹ có hay tung hứng bé?
Thói quen này cũng không dành cho trẻ sơ sinh. Vì trong đầu bé có những khoảng trống giữa não và xương sọ “để dành” cho não tiếp tục lớn và phát triển. Não của trẻ khá mềm và màng não mỏng. Khi bị rung lắc, có thể gây ra sự va đập với xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não.
Các tĩnh mạch quanh não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ. Hơn nữa, tung hứng sẽ vô cùng nguy hiểm nếu chẳng may bạn đỡ tuột, hoặc chỉ nắm được một bộ phận nào đó của bé. Vì vậy mẹ đừng tung hứng bé khi bé còn quá nhỏ nhé.