Cách dự đoán chiều cao của bé
28/12/2014 | 9:15 Sáng Lượt xem: 1996
Cách dự đoán chiều cao của bé
Chiều cao tương lai của bé yêu của bạn như thế nào? Hẳn nhiều mẹ sẽ rất tò mò phải không nào? Thực ra, không có cách nào chứng minh được dự đoán về chiều cao trưởng thành của trẻ là đúng hay sai, vì còn phụ thuộc vào yếu tố di truyền, dinh dưỡng… Nhưng nếu nhiều mẹ tò mò thì có thể thử dự đoán vui nhé!

Ảnh: Sưu tầm Internet
Chiều cao tương lai của bé yêu của bạn như thế nào?
Những công thức dinh dưỡng khác nhau sẽ giúp trẻ có sự tăng trưởng hợp lý hơn. Tuy nhiên, dưới đây là một phương pháp tính chiều cao trưởng thành cho con bạn được nhiều người áp dụng:
- Cộng chiều cao của bố với chiều cao của mẹ.
- Cộng 13cm nếu là con trai, trừ đi 13cm nếu là con gái.
- Lấy tổng số đó và chia cho 2.
Hầu hết trẻ em sẽ đạt được chiều cao trưởng thành chênh lệch trong vòng khoảng 10cm so với cách tính này. Do sự phát triển của mỗi em bé là khác nhau. Một cách tính khác, ít chính xác hơn để ước tính chiều cao lúc trưởng thành của một em bé là cộng gấp đôi chiều cao của bé đó khi tròn 2 tuổi. Ví dụ: khi bé 2 tuổi cao 0,8m thì có thể khi trưởng thành, bé sẽ cao khoảng 1,6m.
Tuy nhiên, đây chỉ là cách tính vui và được các bậc cha mẹ truyền tay nhau bởi thực tế, chiều cao của bé được kiểm soát phần lớn bởi yếu tố di truyền. Điều quan trọng cần lưu ý là trẻ em phát triển ở nhiều mức độ khác nhau, một số trẻ phát triển nhanh ở giai đoạn ban đầu, trong khi những bé khác lại phát triển chậm hơn. Nếu bạn lo lắng rằng con mình không phát triển chiều cao như bình thường, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ.
Để bé phát triển tối đa thì chế độ dinh dưỡng là yếu tố cần thiết nhất bên cạnh luyện tập thể duc thể thao. Các mẹ hãy ghi nhớ:
– Buổi sáng cần cho bé ăn no, đủ dinh dưỡng trước khi đi học để đảm bảo cho bé khỏe mạnh, tập trung học tập không bị mệt mỏi và ngủ gật, từ đó có kết quả học tập tốt.
– Cho trẻ ăn đúng bữa, đủ 4 nhóm thực phẩm, chế biến tăng các món xào, rán. Uống 400 ml sữa một ngày, ăn thêm sữa chua và phomai. Số bữa ăn nên chia 3 bữa chính, một bữa phụ. Không nên ăn vặt, ăn nhiều bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn sẽ ngang dạ dễ bỏ bữa.
Nên tăng cường các nguồn chất đạm động vật có nhiều canxi, sắt, kẽm (thịt, tôm, cua, cá, trứng, sữa), cũng như các thực phẩm có nhiều vitamin, khoáng chất có trong rau xanh, các loại rau lá xanh thẫm có nhiều vitamin C (rau ngót, mùng tơi, rau diền..), hoa quả chín, nhất là các loại có màu vàng như đu đủ, xoài, hồng xiêm có nhiều beta caroten (tiền vitamin A) và nhiều chất xơ giúp chống táo bón.

Ảnh: Sưu tầm Internet
Cho bé uống nhiều sữa để cung cấp đủ canxi
Đến bữa ăn nên tạo không khí vui vẻ, ấm cúng sẽ giúp tiêu hóa hấp thu tốt hơn. Tránh vừa ăn vừa xem TV, vi tính hoặc đọc sách, truyện trong khi ăn làm bé không cảm nhận được vị ngon của thức ăn. Bên cạnh đó nên cho bé tăng cường các hoạt động thể lực, vận động, vui chơi ngoài trời, tham gia một số hoạt động thể dục thể thao. Buổi tối cố gắng cho bé đi ngủ trước 22h để bé nhận được nhiều hoóc môn tăng trưởng hơn, như vậy trẻ sẽ phát triển thể lực và chiều cao tốt hơn.
Thích và chia sẻ bài viết trên Facebook, Zalo, Messenger