Nuôi con, bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng mong ước con ăn ngon, khỏe mạnh, chóng lớn. Tuy nhiên, tình trạng biếng ăn, kém hấp thu, chậm lớn ở trẻ luôn khiến bố mẹ lo lắng, loay hoay trổ đủ “ngón nghề” mới để con ăn thêm đôi ba thìa cháo hay mẩu thịt bé xíu xiu. Bố mẹ đừng lo, hãy thử áp dụng các cách trị trẻ biếng ăn dưới đây để bữa ăn của trẻ không còn là “cuộc chiến” nhé.
-
Từ bỏ tư tưởng nhồi nhét, ép trẻ ăn bằng mọi cách
Khi thấy trẻ chán ăn hay ăn ít hơn những đứa trẻ khác, bố mẹ thường cuống quýt tìm đủ mọi cách để ép trẻ ăn nhiều hơn như bế đi ăn rong, cho xem tivi, chơi điện thoại, “lừa” ăn để được đi chơi,… nhưng không biết rằng chính những “chiêu bài” này sẽ khiến tình trạng biếng ăn của trẻ càng trở nên trầm trọng hơn.
Bố mẹ hãy bình tĩnh nhé, con bạn ăn ít hơn “con nhà người ta” nhưng bé vẫn phát triển bình thường thì không có gì phải lo lắng. Để chấm dứt “cuộc chiến bên bàn ăn”, hãy để trẻ được có quyền quyết định trẻ sẽ ăn gì và ăn bao nhiêu, thay vì ép trẻ ăn sạch sành sanh món ăn mà bố mẹ cho là bổ dưỡng. Hãy dẹp bỏ bát cơm đầy ú ụ sang một bên và bày ra trước mắt trẻ một bữa ăn vừa đủ và hấp dẫn – một chút xíu cơm, một miếng thịt nho nhỏ, một ít rau củ quả đầy màu sắc hấp dẫn kèm theo vài thìa canh, mẹ sẽ thấy thái độ của trẻ với bữa ăn khác đi rất nhiều nhé.

Ảnh minh họa
Đừng ép bé ăn những món ăn mà bé không thích. Nếu trẻ không thích ăn thịt, hãy thay bằng cá, trứng,… Nếu bé sợ ăn rau, thay vì bực bội, hãy cho trẻ ăn thêm trái cây.
-
Tạo cảm hứng để trẻ ăn được nhiều hơn
Mẹ đang loay hoay tìm cách chữa biếng ăn ở trẻ thì đừng bỏ qua nguyên tắc này nhé:
- Lựa chọn cho bé những bộ bát, đìa, thìa đủ màu sắc rực rỡ với hình ảnh đáng yêu, ngộ nghĩnh để kích thích trẻ hứng thú hơn với những bữa ăn.
- Với các bé lớn, hãy để bé tham gia cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn theo sở thích của bé. Trước khi nấu, mẹ hãy thử hỏi bé: “Hôm nay con thích ăn gì nào?” và đưa ra một thực đơn mẹ có thể làm để bé chọn. Hãy thử lắng nghe ý kiến của bé mẹ nhé!
- Mẹ hãy dành một chút thời gian và tình yêu của mẹ vào từng bữa ăn của bé, trang trí bữa ăn của bé thật hấp dẫn, bắt mắt với những hình thù ngộ nghĩnh, đa dạng màu sắc để đó không chỉ là một bữa ăn đơn thuần mà còn là một tiết học thú vị của trẻ về màu sắc, con vật, đồ vật, thế giới quan xung quanh,…
- Trang trí bữa ăn bắt mắt sẽ giúp kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn rất nhiều.
- Mẹ nên quan sát khi nào bé thường thấy đói, sau đó hãy tập cho bé ăn vào những giờ ăn cố định để tạo nếp sinh hoạt khoa học cho trẻ biếng ăn.
- Khi “khởi động” bữa ăn, bố mẹ có thể thử ăn trước món ăn đó một cách ngon miệng và xuýt xoa khen ngon để kích thích sự tò mò và tạo cảm hứng ăn uống cho bé.
- Bố mẹ có thể cho bé ngồi vào bàn ăn, ăn chung cùng với cả gia đình, vừa tạo không khí vui vẻ khuyến khích bé ăn nhiều vừa góp phần tạo tính tự lập cho bé ngay từ nhỏ.
- Khi trẻ đã 2-3 tuổi, hãy để trẻ tự xúc ăn để giúp trẻ phát huy bản năng sinh tồn vốn có của mình, tạo cơ hội để trẻ có thể tự chủ trong việc ăn uống. Làm như vậy vừa giúp rèn luyện tính độc lập cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời vừa để trẻ thấy được rằng việc ăn uống là niềm vui chứ không phải là “vì bố mẹ”.
- Tránh để bé xem tivi hoặc nghịch điện thoại, chơi đồ chơi trong giờ ăn, làm phân tán sự tập trung của trẻ vào việc ăn uống. Mỗi bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài khoảng 20-30 phút, vừa giúp thiết lập thói quen ăn uống tích cực cho trẻ, vừa đảm bảo thức ăn không bị nguội, kém hấp dẫn hơn.
-
Xây dựng chế độ ăn khoa học, hoàn thiện dinh dưỡng của trẻ
Để trị biếng ăn ở trẻ, giúp trẻ có cảm giác thèm ăn, mẹ cần xây dựng thực đơn khoa học đảm bảo dinh dưỡng cho bé, cân bằng 4 nhóm chất: chất đường bột – chất đạm – chất béo – vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên mẹ cũng cần chú ý chế biến, bảo quản đúng cách để không làm hao hụt dinh dưỡng.
Mẹ hãy quan tâm đến tính đa dạng thực đơn hàng ngày của trẻ. Đây là một trong các cách chữa trẻ biếng ăn mẹ cần ghi nhớ. Mẹ cần chịu khó đổi thực đơn cũng như học cách chế biến những món ăn mới từ những nguyên liệu cũ. Đồng thời hãy chú ý đến hương vị, màu sắc, độ dinh dưỡng để kích thích sự thèm ăn của bé.
Nên chia nhỏ bữa ăn của trẻ thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để hệ tiêu hóa của trẻ không bị “quá tải” và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Mẹ cần dựa vào giai đoạn phát triển, tình trạng sức khỏe của trẻ để lựa chọn cách chế biến thức ăn phù hợp. Hãy cho trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nên cho trẻ tập ăn dặm dần từ ít đến nhiều, từ loãng đến sền sệt rồi mới đến đặc. Khi trẻ đang mọc răng hoặc bị ốm bệnh, mẹ nên chế biến các đồ ăn mềm, lỏng để giúp trẻ dễ ăn và dễ hấp thu hơn.
Tránh cho trẻ ăn vặt vào trước bữa ăn chính. Một gói bim bim, vài cái kẹo hay một hộp sữa tưởng như không là gì cả nhưng lại gây cảm giác “no giả tạo”, khiến trẻ thờ ơ với bữa ăn chính mặc dù thực chất là trẻ vẫn đói và vẫn bị thiếu dinh dưỡng.