Tình trạng lười ăn của trẻ đôi khi do những thói quen ăn uống không được chú ý ngay từ khi bé học ăn dặm. Vậy làm sao để ba mẹ có thể chặn đứng những thói quen này?
Thói quen không tốt
Một số thói quen ăn uống không tốt của trẻ được hình thành từ khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm. Trẻ lười nhai và rất thích ngậm búng thức ăn trong miệng. Bữa ăn của trẻ thường mất rất nhiều thời gian. Trẻ ăn vặt tùy ý, bữa ăn chính tùy hứng. Bé có thói quen vừa ăn vừa chơi và chỉ ăn những món bé khoái khẩu.
Một số thói quen do ba mẹ tạo ra cho trẻ như ăn riêng, cảm giác căng thẳng, sợ hãi trong bữa ăn. Tuy nhiên không phải ba mẹ nào cũng chú ý tới điều này. Nên chỉ khi lười ăn kéo dài khiến bé chậm lớn, còi xương và có các triệu chứng của thiếu hụt vi chất, ba mẹ mới loay hoay chữa trị.

Những thói quen ăn uống không tốt thường vô tình được tạo ra từ khi bé tập ăn dặm
Đối phó với thói quen này
Rèn luyện khả năng nhai, nuốt
Ngay từ 4 tháng tuổi, ba mẹ hãy cho bé tập ăn thức ăn ngoài. Nguyên tắc là từ ăn ít đến ăn nhiều, từ món ăn mềm đến thức ăn cứng, từ nhỏ đến to, từ một loại đến nhiều loại. Từ 6-8 tháng tuổi, ba mẹ nên tập cho bé học cách nhai và khả năng nhai nuốt thức ăn, có thể cho bé luyện tập cùng bánh mỳ và bánh quy.
Ăn vặt thế nào cho tốt?
Để đối phó với đồ ăn vặt, ba mẹ cần hạn chế vì nó ảnh hưởng tới khẩu vị và cảm giác thèm ăn của trẻ. Thói quen ăn vặt là tốt nếu ba mẹ chọn cho trẻ những loại đồ ăn vặt có giá trị dinh dưỡng cao và thich hợp với độ tuổi của trẻ. Đồng thời, ba mẹ lập cho bé một thời gian biểu các bữa ăn phụ, nên cách bữa chính khoảng 2 giờ và không cho bé ăn vặt trước khi bé ngủ.

Ba mẹ khéo léo tạo không khí thoải mái trong bữa ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn!
Bữa ăn gia đình
Căn cứ vào thói quen sinh hoạt và làm việc của gia đình, các ba mẹ nên sắp xếp mội lịch ăn uống cố định các bữa chính cho trẻ cùng với gia đình. Việc ăn uống cùng gia đình không chỉ giúp trẻ ăn uống ngon miệng hơn mà còn giúp trẻ học được cách ăn từ các thành viên khác. Bạn cũng nên để trẻ tự ăn, tự chọn các món mà trẻ thích.
Nếu lượng thức ăn chưa đủ, ba mẹ có thể khéo léo cho bé ăn thêm. Ba mẹ nên hướng cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn để đáp ứng đầy đủ các loại dưỡng chất. Người lớn cũng không nên nhận xét hay tỏ thái độ thích món ăn này ghét món ăn kia trước mặt trẻ, vì điều này dễ gây định hướng sai trong khẩu vị của trẻ.
Tâm lý thoải mái khi ăn
Đặc biệt, ngay cả khi bé mải chơi hoặc chơi với thức ăn, ba mẹ cần nghiêm khắc với trẻ nhưng không nổi nóng hay tức giận, khiến bé có tâm lý sợ sệt trong khi ăn. Một tâm lý căng thẳng trong khi ăn không những không có tác dụng kích thích trẻ ăn ngon miệng mà nó còn ảnh hưởng xấu tới việc tiêu hóa cũng như việc hấp thụ dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, ba mẹ nên tập cho trẻ thói quen vận động, chạy nhảy, vừa giúp trẻ nhanh nhẹn, hiếu động, vừa hỗ trợ quá trình hấp thụ thức ăn hiệu quả. Sau khi vận động, bé tiêu hóa thuận lợi hơn và nhanh có cảm giác đói hơn. Tuy nhiên, chạy nhảy ngay sau khi ăn có thể khiến bé bị đau bụng, đau sóc. Ba mẹ nhớ để bé nghỉ ngơi cho dạ dày hoạt động trước khi bắt đầu trò chơi cho trẻ.
Tham khảo thêm bài viết 360 độ về Bé lười ăn!
Bekhoemevui.vn – Chuyên trang tư vấn sức khỏe mẹ và bé!