Bé suy dinh dưỡng là trạng thái cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng, chất đạm và các yếu tố vi lượng khác nhằm đảm bảo cho sự phát triển của cơ thể. Tình trạng suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Trong trường hợp bé bị suy dinh dưỡng cần chăm sóc như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Thế nào là bé suy dinh dưỡng?
Bé suy dinh dưỡng thường có một số đặc điểm điển hình như:
- Biếng ăn hoặc ăn ít.
- Kém hoạt bát, hay quấy khóc.
- Chậm tăng cân hoặc không tăng liên tục trong 2 đến 3 tháng.
- Chậm tăng chiều cao hoặc không tăng liên tục trong 2 đến 3 tháng.
- Khó ngủ, hay quấy khóc và giật mình khi ngủ.
- Mọc răng chậm.
- Da xanh xao.
Theo tiêu chuẩn cân nặng/tuổi người ta chia suy dinh dưỡng làm 3 độ:
Suy dinh dưỡng độ I: Trọng lượng còn 90% so với tuổi
Suy dinh dưỡng độ II: Trọng lượng còn 75% so với tuổi
Suy dinh dưỡng độ III: Trọng lượng còn dưới 60% so với tuổi.
Suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ mà còn là một trong những nguyên nhân làm thui chột trí tuệ.
Chăm sóc bé suy dinh dưỡng thế nào ?
Điều trị suy dinh dưỡng trẻ em không chỉ đơn giản là sử dụng thuốc mà cần kết hợp với việc bổ sung dinh dưỡng, hình thành thói quen ăn uống khoa học và hợp lý nhất. Cha mẹ nên thực hiện tốt một số vấn đề sau:
- Vệ sinh ăn uống: Bảo đảm khi bé bị suy dinh dưỡng được “ăn chín, uống sôi”. Thức ăn nấu xong cho bé ăn ngay, nếu để quá 3 giờ phải đun sôi lại mới cho bé ăn.Tránh những thực phẩm nhiễm bẩn và bị ô nhiễm vì đó là nguồn gây bệnh như: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn…
- Vệ sinh cá nhân: Tắm rửa thường xuyên cho bé bị suy dinh dưỡng bằng nước sạch (vào mùa hè). Giữ ấm cho bé, tránh gió lùa (vào mùa đông, khi tắm gội…) để tránh nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp.

- Giữ quần áo sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng: Giúp trẻ có thói quen giữ gìn răng miệng sạch sẽ, không ăn nhiều đồ ngọt để tránh các bệnh sâu răng, viêm lợi.
- Giữ tay sạch: tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, cắt móng tay cho trẻ. Không để trẻ lê la dưới đất bẩn. Không cho trẻ mút tay, không quệt tay bẩn lên mặt, không đưa đồ vật, đồ chơi bẩn lên miệng để tránh các bệnh giun sán.
- Vệ sinh môi trường: Bảo đảm cho trẻ ăn, ngủ, vui chơi nơi thoáng mát, sáng sủa sạch sẽ.
- Âu yếm, vỗ về biểu lộ tình cảm trìu mến, yêu thương trẻ. Trẻ cần được khích lệ, chuyện trò, nô đùa… tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện của trẻ, tránh thô bạo trong cử chỉ lời nói của người lớn trước mặt trẻ.
Dinh dưỡng cho bé suy dinh dưỡng
Kế hoạch chăm sóc bé bị suy dinh dưỡng:
Bé suy dinh dưỡng thường kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa hoặc mắc bệnh. Việc nuôi dưỡng chỉ có hiệu quả khi bệnh của trẻ đã được điều trị một cách triệt để. Cần phải cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.
Đối với trẻ 1-2 tuổi ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ngày. Trẻ 3-5 tuổi cần ăn 5-6 bữa/ngày.
Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm và các thức ăn như trẻ khác cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chín.
Nên cho dầu mỡ quấy vào bột cháo hoặc cho dầu mỡ vào nước canh, rau xào… để tăng đậm độ nhiệt trong bữa ăn của trẻ.
Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.