Những chuyên gia về tâm lý trẻ em cho biết rằng đồ chơi là những vật đầu tiên giúp bé tiếp xúc với thế giới, gia tăng những kỹ năng tự nhiên và nâng cao trí tưởng tượng cho bé.
1. Tâm lý lứa tuổi
Bố mẹ đừng nghĩ mua đồ chơi của bé 3 tuổi cho bé 2 tuổi chơi vì tâm lý “để dành”, năm sau bé vẫn có thể chơi tiếp. Trẻ phát triển qua nhiều giai đoạn, nếu chúng ta bỏ qua bất kỳ một giai đoạn nào trong đó thì tương lai của trẻ sẽ bị ảnh hưởng theo một cách nào đó mà thôi.

Ảnh: Sưu tầm Internet
Với trẻ trên 2 tuổi, các bé đã biết sử dụng nhiều hơn những từ ngữ khác nhau để thể hiện suy nghĩ của mình. Đây cũng là thời điểm trẻ sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển biến từ một đứa trẻ thành một cá thể có suy nghĩ, có sự nhìn nhận và ý chí riêng.
Các bé trai và bé gái đã thể hiện những sở thích khác nhau rất đặc trưng về giới. Bé trai thích những trò chơi vận động và có tính tư duy logic cao như ném bóng, xếp mô hình, chơi máy bay, xe tăng, tàu thủy, còn bé gái thích những trò chơi mang tính chất tĩnh và mềm mại hơn như ru búp bê ngủ, cho búp bê ăn…
Bạn có thể thấy ở lứa tuổi này, bé nhà mình có tâm lý khá lộn xộn, bé hay hờn dỗi hơn, buồn tủi hơn và bướng bỉnh hơn. Tất cả những gì bé muốn là khám phá sự vận hành của thế giới xung quanh và khả năng tham gia của mình vào đó như thế nào.
Những món đồ chơi điện tử chưa cần thiết với trẻ giai đoạn này. Bởi vì lúc này, trẻ vẫn thích các trò chơi thiên về vận động hơn. Tuy nhiên, trẻ thích những trò chơi khéo léo hơn trước, không đơn giản là các vật màu sắc, chuyển động nữa. Trẻ thích có sự phối hợp vận động của các giác quan.
2. Đồ chơi thích hợp
Các bộ đồ chơi như bộ trò chơi xây dựng, trò chơi với nhiều mảnh lắp ghép vào với nhau tỏ ra rất hấp dẫn và hiệu quả với bé. Ngoài ra, bố mẹ nên tự tạo những đồ chơi phù hợp với khả năng và sở thích của con bằng những nguyện liệu dễ tìm.
Chơi luồn chỉ cùng con: Hãy thử con con chơi trò như chỉ qua một cái lỗ nhỏ giống như đang may mặc, thêu thùa. Bạn có thể dễ dàng làm đồ chơi này bằng cách cắt những tấm bìa carton dày rồi vẽ lên đó các hình, hoặc cắt hình từ sách báo dán lên như hình con vật, cây cối. Bạn dùng cái đục nhỏ đục các lỗ quanh hình. Bạn đưa cho trẻ sợi dây nhỏ màu sắc sặc sỡ, xỏ từ lỗ nọ sang lỗ kia quanh hình vẽ. Xỏ hết hình vẽ, bé sẽ được hình dạng của con vật.
Xây tháp và phá tháp: Bạn thu nhặt hơn chục cái hộp không, kích thước nhỏ và bằng nhau. Hãy dạy trẻ xây thành các hình tháp. Sau đó lấy trái bóng tennis ném vào hình tháp này cho đổ đi. Bất cứ đứa trẻ nào cũng thích trò chơi đầy bất ngờ này.
Tự tạo trò chơi ghép hình: Nếu trẻ thích chơi trò ghép hình và bạn muốn thay đổi nhiều hình mới đa dạng, hấp dẫn hơn, bạn có thể tự làm lấy. Bạn cắt những hình đẹp trong tạp chí, hình phong cảnh, động vật… dán lên bìa cứng, bọc lại bằng giấy bóng trong suốt và dính. Cắt những hình này thành nhiều mảnh. Nếu trẻ còn nhỏ, chỉ nên cắt 3-4 mảnh, khi trẻ lớn hơn có thể cắt thành nhiều mảnh hơn.
Chơi búp bê: Các bé gái không thể thiếu búp bê trong suốt tuổi thơ của mình, bắt đầu từ lúc 2 tuổi. Những con búp bê sẽ giúp bé ban đầu tiếp xúc với cái đẹp, sự nữ tính và sự khéo léo. Vào tuổi này, hãy chọn những con búp bê đơn giản để bé dễ chơi.
Hãy cùng bé dành chút thời gian tự may quần áo, váy cho các bé bằng cách tận dụng chút vải thừa, loại vải co giãn. Chải tóc cho búp bê cũng là cả một công đoạn và vô cùng hứng thú với trẻ. Nếu búp bê bị rối tóc, tóc bị dính khó chải, hãy gợi ý trẻ gội đầu cho búp bê và hong khô, khi đó bé sẽ dễ dàng chải và tha hồ làm điệu cho mái tóc xinh đẹp của búp bê.