Để trẻ không thả phanh ngày tết
Đừng đợi đến lúc con khản giọng vì ăn nhiều bánh kẹo, uống nhiều nước ngọt, bỏ ăn vì ham chơi bố mẹ mới la rầy, quát mắng chúng. Hãy dạy trẻ biết cách ăn tết thông minh ngay từ bây giờ nhé!
Bé ngoan không uống nhiều nước ngọt có gas nhé!
Trái ngược với việc nhiều trẻ em Việt Nam được người lớn rót cho ly nước ngọt, Hải Minh- 11 tuổi, Việt Kiều Pháp, từ chối ngay khi được cô Mỹ Anh(33 tuổi, Q.Tân Bình, TP. HCM) gắp cho mấy viên đá vào ly: “Cho con uống nước lọc, con không uống nước lọc có gas đâu. Chúng không tốt cho sức khỏe, phải đến 18 tuổi con mới uống”. Cậu bé còn nói thêm, ở trường cậu không hề bán những loại nước này. Câu chuyện của Minh khiến chị Anh và mọi người rất bất ngờ.
Nước ngọt có gas với nhiều hương vị hấp dẫn, uống với đá có cảm giác mát lạnh thường là món yêu thích của trẻ. Tuy nhiên, nước ngọt có gas được khuyên là không nên cho trẻ uống nhiều, nó sẽ gây béo phì, đầy bụng, dễ khiến trẻ bị viêm họng…

Ảnh: Sưu tầm Internet
Mẹ ăn Tết ngon, con thông minh khỏe mạnh
Thay vì hò hét, cấm đoán trẻ uống nước ngọt có gas, bạn nên giải thích cho trẻ hiểu những ảnh hưởng không mong muốn của loại thức uống tới sức khỏe của chúng thông qua hình ảnh, câu chuyện dí dỏm. Cần nghiêm khắc với trẻ, không nên nuông chiều theo ý của bé. Chú ý để nước ngọt có gas ngoài tầm nhìn, tầm với của trẻ.
Không làm “bợm nhậu tí hon”
Tết là ngày vui nên nhiều ông bố làm ngơ với việc trẻ nhập cuộc “ nhậu” với người lớn. Vừa “sán” lại gần, thấy bố và người bạn nhậu đang say sưa bàn chuyện, nhanh như chớp cậu bé Hoàng Khang (6 tuổi, tỉnh Long An) liền vơ vội ly bia của bố uống một hớp. Thoáng nhăn mặt, thè lưỡi, khè khè vì vị đắng của bia nhưng cậu vẫn liều lĩnh đưa ly bia lên miệng uống một hớp nữa. Lần này thì Khang bị bố cậu bắt gặp. Thay vì la mắng, bố cậu bé lại cười khà khà trong khi các chú các bác khác khen con trai có “bản lĩnh”.
ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu- Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM cho hay, việc một số bé trai sớm thành “bợn nhậu” có thể dù quan niệm của người lớn là đàn ông thì phải biết uống bia rượu nên họ tỏ ra dễ dãi, cho trẻ tiếp xúc với bia rượu sớm. Lý khiến trẻ thấy việc chúng uống bia rượu không có vấn đề là người lớn hay thấy con nít làm cái gì lạ thì cổ vũ, còn xem đó là một cách để “giải trí”. Nếu việc trẻ uống thử bia rượu chỉ một lần thì không sao. Tuy nhiên, nếu lặp lại lần hai, lần ba… trẻ rất dễ bị nghiện.
Đã có những trường hợp, đứa bé chỉ mới 5-6 tuổi đã lén bố mẹ mở tủ lạnh lấy lon bia “tu” ừng ực” cho đỡ…thèm. Không như người lớn, tửu lượng của trẻ kém, việc trở thành “ma men” có thể khiến chúng mất kiểm soát cơ thể, dễ té ngã, gây nguy hiểm, nhất là khi chúng cầm vật nhọn… chưa kể bia rượu không tốt cho gan, thận, dạ dày, não bộ…
Bố mẹ có thể tìm những hình ảnh về tác hại của bia rượu để nói với trẻ. Những ảnh hưởng không tốt của chất cồn với sức khỏe của chúng. Tuyệt đối không cổ vũ khi thấy trẻ uống hoặc để bé thử các loại bia rượu. Nếu có thể, nên “cách ly” bé ra khỏi những cuộc nhậu của các ông bố với bạn bè ở nhà. Không để rượu, bia trong tầm với của trẻ.
Dạy con ăn đúng giờ, điều độ
Mấy ngày Tết, gia đình chị Lê Bích Ngọc (38 tuổi. Q.2. TP.HCM) đưa con gái 4 tuổi về quê Đắk Lắk ăn tết với ông bà. Do ngày nào cũng bận rộn với công cuộc bếp núc, chồng chị thì bù khú nhậu nhẹt với anh em họ hàng nên chị đành “thả” bé Bim (con gái chị ) cho mấy đứa nhỏ con của người chị dâu trông giúp. Hậu quả là, giờ giấc ăn uống của bé bị xáo trộn. Bé bỏ quên thói quen rửa tay trước khi ăn… Vì Bim ăn vặt các loại bánh mứt, kẹo “thả phanh” nên đến bữa chính thường chán ăn, bỏ bữa, có khi do mải chơi quên cả ăn nên người Bim mệt lả.
Bữa ăn ngày Tết thường tập trung rất nhiều tinh bột, chất đạm, chất béo… bên cạnh đó còn có rất nhiều đồ ngọt hấp dẫn trẻ. Một số cha mẹ không chú ý chăm sóc để trẻ tự do ăn uống thoải mái quá trong những ngày Tết dễ dẫn đến thừa cân, béo phì. Ngược lại cũng có trẻ lại bị sụt ký do ăn uống thất thường, trẻ quá ham chơi…
Bố mẹ nên giải thích cho con hiểu tác dụng việc ăn uống đúng giờ như giúp thức ăn tiêu hóa tốt, con không bị đau bụng. Bố mẹ có thể đưa ra những mốc thời gian cho bé như 9h30, 1h30, 15h30, 18h30, 20h, 21h là những thời điểm mà trẻ phải ăn uống. Bạn có thể nói với con rằng chúng có thể vui chơi thoải mái nhưng đúng những giờ đó thì không nên vận động ngay khi vì dễ bị đau bụng. Sau đó thì có thể chơi với bạn nhưng cũng không nên chạy nhảy nhiều sẽ dễ bị nôn ói.
Giấc ngủ bị đảo lộn
Bình thường, bé Gấu ( 3 tuổi) con anh Nguyễn Văn Cảnh ( 28 tuổi, Q.7, TP.HCM) đi ngủ lúc 9h tối và thức dậy lúc 6h30 sáng. Nhưng mấy ngày tết, lịch ngủ của bé không ngủ trưa. Có hôm 7-8h tối bé đã ngủ thiếp đi vì mệt do ban ngày chơi, vận động nhiều quá. Có hôm 11h tối bé mới chịu ngủ do nhà tiếp khách muộn hoặc gia đình đi chúc tết về trễ. Tình trạng ngủ thất thường ấy khiến cho bố mẹ Gấu phải vất cả điều chỉnh lại sau Tết, khi sáng nào bé cũng khóc vì khồng muốn dậy đi học.
Việc trẻ mất đi thói quen ngủ nghỉ có giờ giấc có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, quá trình phát triển của trẻ vì khi ngủ, cơ thể tiết ra các hormone tăng trưởng. Chưa kể khi bị đảo lộn giờ ngủ, có thể gây khó khăn cho thói quen sinh hoạt hằng ngày của trẻ.
Ngoài việc dạy con có ý thức đi ngủ đúng giờ để cao lớn, khỏe mạnh, không cười giỡn nhiều quá trước khi ngủ vì trẻ dễ giật mình, cha mẹ nên có ý thức không nên cho trẻ đi chơi về quá khuya, chú ý cho con uống sữa, hạn chế cho bé uống nước vì đi tiểu nhiều cũng làm trẻ mất giấc ngủ.
Dạy con tiêu tiền ngày Tết
Tết là dịp trẻ được ông bà, ba mẹ, cô chú, anh chị lì xì nên lúc nào cũng có tiền sẵn trong túi. Do đó, bố mẹ nên dạy, nhắc nhởn con việc tiêu tiền hợp lý, không để chúng ra ngoài ăn uống “thả cửa”. Hãy đề nghị với chúng rằng bạn sẽ giữ hộ tiền vì bạn có dự định mua Ba-lô mới, xe đạp mới dẫn chúng đi du lịch sau Tết… để hướng chúng đến kế hoạch tiết kiệm tiền cho dự định sắp tới chứ không phải “ có bao nhiêu là tiêu hết bây nhiêu” theo cách của trẻ con.
Dạy con ăn tết thông minh – Tổng hợp