Mỗi bữa ăn gần như là ác mộng với gia đình bạn. Bé 2 tuổi khều tý thức ăn rồi vứt vung vãi. Sau đó, bé lấy đũa gõ coong coong vào nồi vào bát, lăn lê trên sàn, quay chỗ này suýt động vào nồi cơm nóng, quay chỗ kia suýt cho tay vào nồi canh.
Phải làm gì để trẻ không quậy trong bữa ăn. Câu trả lời sẽ có ngay cho bạn: “Bạn không thể”. Bạn biết rằng không thể bắt một đứa trẻ ngồi im trong suốt một thời gian dài. Mặt khác, bữa ăn lại có rất nhiều đồ rất thú vị để trẻ khám phá. Chúng ta chỉ có thể bàn cách khắc phục để bữa cơm của bạn được thoải mái và an nhàn nhất.

Ảnh: Sưu tầm Internet
1. Vì sao trẻ hay quậy phá trong bữa ăn?
Trẻ con rất thích khám phá, nhất là khi bị buộc phải ngồi vào mâm cơm với rất nhiều yêu cầu: phải ăn, phải ngồi yên, không được la hét, không được chạy nhảy lung tung… Lúc đó đối với trẻ giống như một cực hình, chán ngắt và tù túng tay chân. Vì vậy, trẻ sẽ cố gắng thoát ra khỏi điều đó, bằng cách nhón chút chỗ này, chỗ kia chút thức ăn rồi vứt vung vãi, gõ thìa vào bát, vào nồi, tìm cách lăn lê để được khám phá hết mâm cơm…
Bên cạnh đó, thường các cuộc trò chuyện của phụ huynh trong bữa ăn xoay quanh chủ đề của người lớn, trẻ thấy mình chẳng liên quan đến ai, chẳng được ai chú ý, bị bỏ lơ nên càng quậy. Lúc này, trẻ đủ lớn để hiểu rằng trong bữa ăn không thể ăn vạ vì sự vô tâm của bố mẹ, nhưng trẻ lại cũng thực sự muốn nổi loạn khi cảm thấy vai trò của mình mình không còn quan trọng nữa. Vì vậy đừng lấy làm lạ khi bé con nhà bạn nhặng xị lên khi bạn và chồng mải buôn chuyện về một chủ đề lạ hoắc mà bỏ lơ trẻ.
Thường các gia đình hay cho trẻ ăn trước bữa. Khi đã “no say”, trong khi chẳng có ai chơi cùng, bé sẽ xem mâm cơm là trung tâm của mọi trò vui, vì ở đó, khám phá rất nhiều trò, lại được sự chú ý của người lớn, dù cho đó thường là những tiếng quát, nạt.
Thỉnh thoảng may mắn, bạn sẽ làm món ăn mà trẻ thích và trẻ chăm chú vào món ăn của mình. Bởi vậy bạn sẽ thấy những lúc như vậy sau khi ăn xong, trẻ sẽ đứng lên và đi ra ngoài chơi chứ không ngồi lại quậy mâm cơm nữa.
2. Để trẻ hết quậy phá trong bữa ăn
Hãy tập cho con thói quen ăn ngoan ngay từ nhỏ. Từ lúc bé biết ngồi vững, bạn đã có thể để trẻ cùng ngồi trong mâm cơm với gia đình, mặc dù bạn sẽ rất vất vả để canh chừng, vì bé sẽ nhoài người vào mâm cơm bất kỳ lúc nào.
Khi bé đủ lớn, bố mẹ nên dạy con cách tự cầm thìa, tự xúc thức ăn. Hãy khen ngợi mỗi khi con ăn ngoan và nghiêm khắc chỉ cho con thấy không được tự ý thọc tay vào mâm.
Người lớn hãy thể hiện sự nghiêm túc và làm tấm gương cho bé vào mỗi bữa ăn, không bày trò nghịch phá, chơi đùa cùng bé trước mâm cơm. Khi trẻ đi mẫu giáo được, hãy dạy trẻ cách mời người lớn trước khi ăn. Sự quy củ và những nguyên tắc của bữa ăn sẽ cho bé thấy đó là thời gian quan trọng và bé không được phép tự do quậy phá.
Bạn đã hiểu rằng tâm lý của trẻ là rất thích được mọi người quan tâm, nhất là trong bữa ăn. Vì vậy, thay vì người lớn chỉ nói chuyện và xoay quanh các chủ đề mình quan tâm, hãy tập trung sự chú ý vào trẻ.
Hãy trò chuyện với con như trẻ là một một thành viên “bình đẳng” trong nhà. Hãy hỏi chuyện con về những buổi đi lớp, về con búp bê hay siêu nhân bé vừa được tặng, bé đã chăm sóc chúng ra sao… Trẻ sẽ nghiêm chỉnh nói chuyện với bạn mà không tập trung cho việc quậy được nữa.
Với những trẻ quá hiếu động và khó bảo, hãy tập trung cho trẻ ăn xong trước. Sau đó, yêu cầu trẻ đứng dậy rửa tay, súc miệng, rồi lấy đồ chơi cho trẻ chơi. Lúc đó bạn sẽ tiếp tục thưởng thức bữa ăn của mình mà không còn lo trẻ quấy rầy nữa.