Ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 6 tuổi, chúng thường khám phá thế giới bằng cách cho mọi thứ chúng bắt gặp vào miệng. Nếu bố mẹ không để ý và chăm sóc cẩn thận, trẻ rất dễ gặp phải tai nạn nguy hiểm mà khá phổ biến đó là dị vật đường ăn.
1. Triệu chứng trẻ bị hóc dị vật
Triệu chứng của dị vật thực quản gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: hầu hết trẻ nhỏ thường có các dấu hiệu như chảy nước dãi, rối loạn phát âm, ăn uống kém. Có thể có các triệu chứng của tắc nghẽn đường hô hấp trên nhưng ít (do ít khi gặp dị vật lớn đến mức tắc nghẽn đường hô hấp). Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu khó thở mà không tìm ra nguyên nhân do hô hấp thì phải nghĩ ngay đến nguyên nhân do dị vật đường ăn.

Ảnh: Sưu tầm Internet
Giai đoạn 2: giai đoạn này ở nơi mắc dị vật bắt đầu viêm nhiễm khiến cho trẻ bỏ ăn, bỏ bú, hơi thở hôi, sốt nhẹ.
Giai đoạn 3: phụ thuộc vào bản chất dị vật, thời gian phát hiện dị vật, vị trí dị vật và cách xử trí ban đầu mà giai đoạn này xuất hiện các biến chứng khác nhau như viêm tấy mô liên kết, viêm trung thất, tràn mủ màng phổi, thủng mạch máu lớn (với các dị vật sắc nhọn và mắc lại nơi có mạch máu lớn)…
2. Cách xử trí khi bị dị vật
Nghiệm pháp cấp cứu thường được sử dụng nhất với dị vật đường ăn cũng như dị vật đường thở là nghiệm pháp Hemlich:
Với trẻ dưới 2 tuổi ta có thể áp dụng nghiệm pháp Hemlich như sau: đặt trẻ nằm sấp trên cẳng tay hoặc đùi, đầu trẻ thấp hơn ngực, đưa ngón tay vào miệng trẻ để trẻ há miệng ra sau đó dùng lòng bàn tay vỗ nhẹ vào lưng trẻ vùng giữa xương bả vai trái và phải.
Nếu dị vật không ra ta có thể đặt trẻ nằm ngửa lấy tay ép nhẹ vào vùng thượng vị nhằm đẩy dị vật lên phía trên và ra ngoài.
Với trẻ lớn hơn 2 tuổi ta có thể áp dụng Hemlich nằm hoặc đứng: để trẻ đứng hoặc ngồi duỗi chân ra phía trước đầu cúi thấp. Người làm nghiệm pháp đứng hoặc quỳ phía sau. Một tay nắm lại thành nắm đấm, tay kia nắm lấy đặt lên vùng thượng vị của trẻ.
Sau đó giật mạnh từ trước ra sau từ dưới lên trên (làm dứt khoát) khiến cho bệnh nhân đẩy được dị vật ra ngoài.
Sau khi làm nghiệm pháp Hemlich, nếu trẻ đẩy được dị vật ra ngoài và hoàn toàn bình thường, người nhà vẫn nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và lấy thuốc phòng tránh các biến chứng do viêm.
3. Phòng tránh dị vật đường ăn
Trông nom trẻ cẩn thận, tránh để trẻ cho đồ vật vào miệng hay ngậm đồ vật trong miệng.
Tránh không cho trẻ ăn các thức ăn không phù hợp như thức ăn chứa các hạt (ngô, đỗ, kê…), không cho trẻ ăn các thức ăn không phù hợp như xương, cọng rau…
Khi cho trẻ uống thuốc nên sử dụng thuốc dưới dạng bột pha vào nước hay siro, nếu là thuốc dạng viên nên hòa tan trong nước rồi mới cho trẻ uống, không để trẻ uống trực tiếp.
Không nên ép trẻ ăn khi đang quấy khóc, không cho trẻ đùa nghịch, chạy nhảy khi đang ăn.