Cha mẹ không nên quá lo lắng nếu trẻ bị táo bón kéo dài vì vẫn có những phương pháp giúp khắc phục bệnh táo bón ở trẻ em. Tuy nhiên để có thể đạt được kết quả như mong muốn các mẹ cần có quá trình tìm hiểu một cách kỹ càng, áp dụng khoa học để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho con yêu.
Nguyên nhân và triệu chứng bệnh táo bón ở trẻ
Bệnh táo bón ở trẻ đặc trưng với những triệu chứng điển hình như: Táo bón là sự bài tiết phân không thường xuyên, phân cứng hay đi tiêu khó khăn hoặc phân cứng có thể có kèm máu tươi. Nói đơn giản là bé đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần, phân to cứng hay có thể phân nhỏ như phân dê, kèm đau khi đại tiện.
Những nguyên nhân thường gặp của bệnh táo bón ở trẻ:
- Thiếu nước và chất xơ: Thói quen ít uống nước, ăn nhiều chất đạm nhưng lại ít ăn rau xanh và trái cây, khiến cơ thể bị thiếu nước và chất xơ, làm cho phân cứng, khó thải ra ngoài, gây nên táo bón.
- Lười vận động: Thói quen ít vận động, chỉ quanh quẩn trong nhà xem tivi, chơi điện tử, internet,… khiến nhu động ruột bị “ì” lâu ngày dẫn đến táo bón.
- Thuốc: Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc giảm ho, điều trị tiêu chảy,… có thể gây tác dụng phụ làm phân trở nên khô rắn, khó di chuyển gây táo bón.
- Yếu tố tinh thần: Bé nhịn đại tiện vì sợ bẩn, sợ thối, hoặc ngại đi đại tiện vì phải xin phép cô giáo,… lâu dài dẫn đến táo bón hoặc có thể bé bị rối loạn cảm xúc do bầu không khí gia đình căng thẳng, cha mẹ ly hôn, có em bé mới,… cũng là nguyên nhân gây nên táo bón.
- Bệnh lý: Những căn bệnh liên quan đến đại trực tràng, hệ thần kinh, suy dinh dưỡng, thiếu máu,… khiến trương lực ruột bị giảm, làm bé bị táo bón.
Điều trị bệnh táo bón ở trẻ em
Căn bệnh táo bón ở trẻ em có thể được khắc phục được bằng các phương pháp điển hình như:
Cung cấp thêm chất xơ cho bé thông qua ngũ cốc nguyên cám, hoa quả chín và rau xanh như: cam, quýt, bưởi, chuối, bơ, đu đủ chín, súp lơ, mồng tơi, rau dền…
Trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 – 12 tháng cần uống 600 ml nước/ngày (bao gồm: sữa, nước, nước trái cây…).
Trẻ 1 – 3 tuổi cần uống 900 ml nước/ngày.
Trẻ 3 – 5 tuổi cần uống 1200 ml nước/ngày.
Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 – 2000 ml nước/ngày.
Đối với nước ép hoa quả, các bà mẹ nên chế biến từ hoa quả tươi chứ không nên mua nước hoa quả ép sẵn đóng hộp.
Khuyến khích bé đi bộ, vận động hàng ngày để tập luyện cơ vùng chậu, tăng nhu động ruột giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
Tập cho bé đi vệ sinh vào một giờ nhất định trong ngày để hình thành cho cơ thể bé phản xạ đi vệ sinh hàng ngày. Khi thấy bé đang chơi bỗng nhiên chạy vô góc nhà đứng hoặc ngồi: đó là dấu hiệu bé đang nín nhịn. Mẹ nên khuyến khích bé đi tiêu lúc này.
- Xoa bụng cho bé

Ảnh minh họa
Mẹ nên xoa bụng hàng ngày cho bé để kích thích nhu động ruột của bé, giúp ruột già đào thải phân dễ dàng hơn. Trước khi xoa bụng cho bé, mẹ nên xoa 2 bàn tay vào nhau cho ấm lên rồi xoa bụng nhẹ nhàng cho bé theo chiều kim đồng hồ. Mỗi lần thực hiện kéo dài từ 10 – 15 phút.
Việc bổ sung men vi sinh chính là việc bổ sung hàng triệu lợi khuẩn cho đường ruột. Việc làm này giúp nhanh chóng chấm dứt tình trạng táo bón, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ, giúp bé ăn ngon và tiêu hóa tốt.