Hành trình mọc răng của bé
Trên hành trình khôn lớn trẻ phải vượt qua những chặng đường với nhiều biến đổi trong cơ thể. Mọc răng được coi là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Hãy khám phá về hành trình mọc răng ở trẻ mẹ nhé!
Mọc răng từ trong bụng mẹ
Cuộc hành trình bắt đầu từ lúc bé còn nằm trong bụng mẹ. Khi mẹ mang thai, những mầm răng của bé đã phát triển, là nền tảng cho những chiếc răng sữa bé mọc sau này. Một số trường hợp hiếm gặp là khi sinh ra bé đã có sẵn một, hai chiếc răng hoặc bắt đầu mọc răng trong tuần đầu tiên sau khi ra đời. Còn lại hầu hết các bé đều bắt đầu nhú răng trong khoảng tháng thứ 4 đến tháng thứ 7.
Nếu bé phát triển sớm, bạn có thể sẽ thấy những chiếc mầm răng nhú lên từ tháng thứ 3 (thường sẽ là chiếc răng chính giữa ở hàm dưới). Nếu bé phát triển chậm, bố mẹ có khi phải đợi đến khi bé 1 tuổi hoặc lâu hơn nữa mới có thể thấy những chiếc răng đầu tiên nhú lên. Đến tuổi thứ 3, bé đã mọc đầy đủ 20 chiếc răng sữa.

Ảnh: Sưu tầm Internet
Từ khi nằm trong bụng mẹ, những mầm răng đã xuất hiện trong bé
Những khó khăn bé gặp phải
Việc mọc răng thường làm cho bé có những triệu chứng khó chịu và cũng được xem là những dấu hiệu cho thấy bé đang đi vào giai đoạn mọc răng. Chẳng hạn như:
– Chảy nước dãi (có thể gây phát ban, đỏ mặt);
– Nướu sưng và nhạy cảm;
– Khó chịu, hay cáu gắt;
– Ngứa răng, hay cắn;
– Không chịu ăn;
– Khó ngủ.
Mọc răng còn hay đi kèm với sốt nhẹ hoặc thậm chí là những cơn đau bụng. Tuy vậy, nếu bé bị sốt cao hơn 38 độ, nôn ói, tiêu chảy hoặc có các triệu chứng khác khiến bạn lo lắng, đừng chỉ nghĩ rằng bé đang mọc răng mà hãy đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra cho chắc chắn nhé!
Hầu hết em bé sẽ mọc răng theo thứ tự: hai răng cửa hàm dưới, hai răng cửa hàm trên, sau đó là những chiếc răng bên cạnh và răng hàm.
Những chiếc răng sữa sẽ theo bé cho đến khi bé 6 tuổi và rụng đi để những chiếc răng vĩnh viễn mọc lên thay thế.