Trẻ sơ sinh có bộ máy tiêu hóa chưa hoàn thiện nên dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Cũng do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện mà trẻ có thể có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa sinh lý, một trong số đó chính là tình trạng tiêu chảy. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt mẹ cần lưu ý.
Một số dấu hiệu nhận biết khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt
Thông thường, các bé sơ sinh từ 0-1 tháng tuổi có thể đi ngoài từ 7 – 10 lần 1 ngày.
Các bé từ 1 – 3 tháng tuổi: đi ngoài từ 2 – 5 lần mỗi ngày.
Các bé trên 6 tháng tuổi: có thể đi ngoài 1-2 lần mỗi ngày.
Nếu trẻ có hiện tượng đi tiêu nhiều hơn bình thường thì mẹ cần theo dõi
Nếu các bé có hiện tượng đột ngột đi tiêu nhiều hơn so với những ngày khác, và nhiều hơn so với các mức thông thường như trên thì mẹ cần chú ý để theo dõi con.
Thức ăn chính của bé sơ sinh là sữa mẹ nên phân thường rất mềm, lỏng, không nặng mùi. Phân của trẻ bú mẹ có màu vàng nhạt, nhẹ hoặc thậm chí khá lỏng và thường chứa những mẩu nhỏ giống như hạt mà người ta hay gọi là phân “hoa cà hoa cải”. Đôi khi phân màu xanh nhạt cũng là bình thường không nên lo lắng miễn là con bạn ăn uống và phát triển bình thường. Trẻ bú mẹ có thể đi ngoài sau mỗi lần bú.
Nếu trẻ dùng sữa ngoài thì phân sẽ đặc hơn và nặng mùi hơn so với trẻ bú mẹ. Trẻ ăn sữa công thức đi ngoài ra phân màu vàng cho tới màu rám và có độ rắn tương đương với bơ lạc.

Ảnh minh họa
Hãy chú ý đến triệu chứng bất thường khi phân của bé loãng như nước, hoặc hơi trắng giống đất sét, hoặc phân đầy nước nhầy hoặc phân lẫn máu. Đó là dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, nhiễm trùng tiêu hóa.
Các biểu hiện khác
Tùy theo tình trạng bệnh lý mà trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt có thể có những biểu hiện khác kèm theo như: khó chịu, hay quấy khóc, bú kém, nôn ói, có thể sốt hoặc không.
Trẻ có thể bị mất nước rất nhanh. Do đó, bạn cần theo dõi các biểu hiện của trẻ như: khô miệng, khô môi, mắt trũng, da nhăn…
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt phải làm sao?
Đối với những trường hợp trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt thông thường các bác sỹ sẽ không khuyên dùng thuốc cầm tiêu chảy cho bé. Thông thường trong trường hợp này các bác sĩ sẽ khuyên mẹ cho bé bù nước điện giải (Oresol). Sản phẩm này các mẹ có thể mua ở quầy thuốc, chúng chứa nước và các chất điện giải có thể dự phòng và điều trị mất nước.
Nếu đang ăn thức ăn đặc mà trẻ bị tiêu chảy, bác sĩ có thể khuyên chuyển qua các loại thức ăn mềm, dạng bột giống như chuối, táo, và ngũ cốc cho đến khi tiêu chảy ngừng. Các mẹ đang cho con bú nên tránh các thức ăn có thể làm cho trẻ bị tiêu chảy.
Trẻ bị tiêu chảy nên tránh các thức ăn có thể làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn điển hình như:
– Đồ ăn nhiều dầu mỡ
– Sản phẩm có nguồn gốc từ sữa như sữa bò, phô mai
– Đồ ngọt như bánh, soda, thức uống có ga.
Tiêu chảy do virus hoặc vi khuẩn rất dễ lây. Mẹ nên rửa tay với nước ấm và xà phòng mỗi khi thay tã cho bé để ngăn sự lây nhiễm. Giữ tã mới ở chỗ sạch và không bị nhiễm bẩn. Hãy giữ bé ở nhà để chăm sóc cho đến khi bé hết hẳn tiêu chảy.