Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên dễ gặp các vấn đề rối loạn tiêu hóa với những biểu hiện như nôn trớ, đầy bụng, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em không chỉ khiến bé mệt mỏi, khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn tới dinh dưỡng, sự phát triển của trẻ. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ là gì và làm thế nào để giải quyết chứng bệnh này?
Nguyên nhân rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
– Hệ miễn dịch của bé còn non nớt, hệ vi sinh vật có lợi ở đường ruột chưa đủ mạnh để tạo thành hàng rào bảo vệ cơ thể nên dễ bị vi khuẩn gây bệnh tấn công, dẫn đến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
– Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em cũng thường hay xảy ra với trẻ ngay sau hoặc trong thời gian điều trị bằng kháng sinh. Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi trong đường ruột, khiến vi khuẩn có hại tăng sinh và tấn công gây nên triệu chứng rối loạn tiêu hóa như phân sống, tiêu chảy, táo bón.

– Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Cho trẻ ăn dặm sớm; thức ăn, cách chế biến không phù hợp với lứa tuổi của trẻ; hay chế độ ăn của bé quá nhiều đạm, chất béo, ít chất xơ cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.
– Ngộ độc thức ăn: Hệ tiêu hóa của bé còn non yếu nên rất dễ bị rối loạn tiêu hóa khi ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, đồ ăn ôi thiu, cách chế biến và bảo quản không đảm bảo vệ sinh hoặc sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn để chế biến.
– Môi trường sống mất vệ sinh: Bé tiếp xúc với vật nuôi, đồ chơi, đồ dùng bị nhiễm khuẩn, trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh không rửa tay cũng tạo điều kiện lây nhiễm vi khuẩn, giun sán, gây rối loạn tiêu hóa với triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, táo bón.
Biện pháp xử lý tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
– Cho bé uống thuốc xổ giun sán định kỳ 6 tháng/lần; giữ vệ sinh cho bé khi chơi đùa để phòng tránh nguy cơ nhiễm giun sán. Đồ chơi của bé cũng cần được vệ sinh 2 tuần/lần, không cho bé đưa đồ chơi vào miệng để tránh vi khuẩn gây bệnh xâm nhập. Cha mẹ tập cho bé thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi ra ngoài đường về.
– Chọn thực phẩm tươi sống, cha mẹ rửa tay sạch trước khi chế biến, dùng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn; cho bé ăn ngay sau khi chế biến để đảm bảo vệ sinh, độ thơm ngon.
– Với rối loạn tiêu hóa ở trẻ em do chế độ ăn, cha mẹ cần điều chỉnh thức ăn, cách chế biến cho phù hợp với độ tuổi của bé. Bữa ăn của bé cần đa dạng, đảm bảo đầy đủ và cân bằng 4 nhóm chất gồm chất đạm, chất béo, bột đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
– Khi bé có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, khi sử dụng các biện pháp thông thường như bổ sung men vi sinh, bù nước bù điện giải, nhưng tình trạng tiêu chảy của bé không thuyên giảm, cha mẹ không nên tự, mua thuốc cho con uống. Nên đưa con đi khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng cách, giúp bé mau khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe.
– Cho bé ăn sữa chua chính là cách bổ sung lợi khuẩn an toàn, hiệu quả cho hệ tiêu hóa của bé. Các vi khuẩn có lợi khi đi vào đường ruột sẽ ngăn chặn và ức chế vi khuẩn có hại, lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp giảm dần chứng rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên bổ sung cho men vi sinh cho bé để hệ tiêu hóa của bé được bổ sung các lợi khuẩn, tăng sức đề kháng và phòng ngừa rối loạn tiêu hóa.
Để liên tục được tư vấn và theo dõi các thông tin dinh dưỡng cho con trẻ liên quan đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ, trẻ bị táo bón, bé bị tiêu chảy… hãy gọi theo số 0439.959.969 – 1900.545439 hoặc gửi mail đến hòm thư bác sĩ Hải: bslethihai@bekhoemevui.vn để được tư vấn, giải đáp miễn phí.