Nguyên tắc vàng giúp bé trau dồi cảm xúc
01/06/2014 | 10:45 Sáng Lượt xem: 1715
Nguyên tắc vàng giúp bé trau dồi cảm xúc
Cảm xúc của trẻ cũng giống như các kỹ năng khác đều cần được chăm chút và dạy dỗ, như vậy trẻ sẽ có sự phát triển toàn diện hơn. Sau đây là một số nguyên tắc vàng giúp trẻ trau dồi cảm xúc, giúp mẹ tập cho bé có một đời sống tâm lý trong sáng.
Nguyên tắc đầu tiên
Ba mẹ hãy giúp trẻ hiểu được cảm xúc của người khác cũng như của chính mình. Khi thấy trẻ giành đồ chơi của bạn, cha mẹ hãy hỏi con: “Nếu con bị bạn giành món đồ chơi mà con yêu thích, con cảm thấy thế nào?”. Điều này giúp trẻ điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Hơn nữa cách này của mẹ còn khuyến khích trẻ biết chia sẻ đồ chơi chung với bạn.
Nguyên tắc thứ hai
Ba mẹ hãy động viên mỗi khi trẻ tỏ ra biết tiếp thu, có những hành vi tích cực. Chẳng hạn như nói với bé rằng: “Mỗi lần thấy con biết nhường nhịn em, mẹ vui lắm. Mà em cũng thương con hơn nữa”.

Ảnh: Sưu tầm Internet
Cảm xúc của trẻ cũng như một tờ giấy trắng
Nguyên tắc thứ ba
Ba mẹ cần lắng nghe con nói để hiểu được cảm nhận của con và qua đó cùng chia sẻ những vấn đề bé đang quan tâm. Như vậy, bé vừa cảm thấy được chia sẻ vừa hiểu rằng ai cũng trải qua cảm xúc này và đã vượt qua được.
Ngoài ra, mẹ cần giúp trẻ gọi tên cảm xúc như buồn bã, vui vẻ, giận dỗi, lo sợ… bằng cách cho trẻ xem nhiều bức ảnh mô tả các trạng thái cảm xúc khác nhau và giải thích. Nếu bé thất vọng vì mất đồ chơi, thay vì nói “Không sao đâu con, con đừng khóc nhé”, mẹ có thể hỏi: “Con buồn, đúng không nào?”.
Nguyên tắc thứ tư
Tập cho trẻ quan sát cảm xúc của người xung quanh. Chẳng hạn bạn thủ thỉ với con: “Hôm qua bà nội vui lắm, bà cười nhiều. Sao bà vui thế nhỉ? Vì con biết nhường đồ chơi cho em đấy!”. Như vậy, bé không chỉ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người. Từ đó, trẻ sẽ biết điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình – một khả năng rất cần thiết để thành công trong cuộc sống.
Nguyên tắc thứ năm
Hạn chế trừng phạt trẻ, nhất là khi trẻ tâm trạng của trẻ không tốt, mọi lời dạy dỗ hay quát mắng, trừng phạt sẽ không mấy hiệu quả. Ví dụ, khi bé la hét hay quấy khóc do không bằng lòng, thay vì quát mắng, mọi người trong nhà hãy cứ giả vờ không biết, bỏ ra ngoài, để mặc cho bé. Sau vài lần như vậy, bé sẽ hiểu hành vi của mình là vô ích nên sớm chấm dứt.
Nguyên tắc thứ sáu
Lời giáo huấn thực sự là khó hiểu và khó nhớ đối với trẻ. Khi còn nhỏ, nhận thức của trẻ bắt nguồn từ hành vi cụ thể, sau đó mới dần dần rút ra quy luật: Điều nào nên, điều nào không.
Và nguyên tắc quan trọng nhất trong việc truyền đạt cảm xúc cho con đó là Cha mẹ không thể là người vô cảm. Cha mẹ muốn cho con được tắm mình vào môi trường cảm xúc thì nhất thiết phải dành thời gian cho con, dạy con bằng tình yêu thương vô điều kiện.
Thích và chia sẻ bài viết trên Facebook, Zalo, Messenger