Những triệu chứng ngộ độc thức ăn ở trẻ em
Ngộ độc thức ăn nếu không được quan tâm đúng và xử trí kịp thời có thể làm cho trẻ bị rối loạn điện giải, hạ đường huyết, sốt, thậm chí là co giật và tử vong. Vì vậy, việc phát hiện sớm triệu chứng ngộ độc thức ăn ở trẻ em có vai trò hết sức quan trọng
1. Những triệu chứng ngộ độc thức ăn ở trẻ em

Ảnh: Sưu tầm Internet
Ngộ độc thức ăn rất nguy hiểm với trẻ nhỏ
Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra với bất kì ai, tuy nhiên bệnh tỏ ra nguy hiểm hơn ở trẻ em, do hệ miễn dịch của trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện. Ngộ độc thức ăn nếu được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời trẻ có thể bình phục nhanh chóng và không để lại di chứng gì, tuy nhiên nếu không được phát hiện và xử trí phù hợp bệnh có thể cướp đi tính mạng của trẻ. Khi bị ngộ độc thức ăn, hầu hết trẻ thường có các biểu hiện như nôn ói, đau bụng và tiêu chảy. Các triệu chứng này có thể xuất hiện sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc từ 1 giờ đến 3 ngày. Biểu hiện cụ thể: trẻ nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày, đau bụng, cơn đau quặn từng cơn, tiêu chảy. Tùy từng tác nhân gây ngộ độc, các triệu chứng có thể khác nhau: triệu chứng nôn mửa nổi bật hoặc trẻ bị tiêu chảy nhiều hơn.
Khi trẻ bị ngộ độc thức ăn dẫn đến các triệu chứng nôn, tiêu chảy, tình trạng này thường dẫn đến rối loạn nước và điện giải,.
Ngoài ra, một số triệu chứng khó chịu ở trẻ khi bị ngộ độc thức ăn như sốt, đi ngoài phân nhày máu. Ngoài ra, những trẻ bị ngộ độc thức ăn có thể biểu hiện nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm khuẩn huyết, thậm chí gây viêm màng não…
2. Xử lý trẻ bị ngộ độc thức ăn như thế nào?
Sau khi nhận biết các triệu chứng ngộ độc thức ăn ở trẻ em, các cha mẹ cần biết cách xử trí, sơ cứu trẻ tại nhà và sau đó lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.Khi thấy trẻ bị nôn, nếu trẻ đang nằm, cần đặt nghiêng đầu trẻ qua một bên để tránh hít sặc.

Ảnh: Sưu tầm Internet
Bù nước cho con là điều cần thiết nhất khi bé bị ngộ độc thức ăn
Vì trẻ nôn và tiêu chảy, dẫn tới thiếu nước, rối loạn điện giải. Vì vậy, bù lượng nước, chất điện giải cho trẻ bằng cách thay đổi chế độ ăn thích hợp, cho trẻ uống nhiều nước, cho trẻ ăn, sử dụng các chế phẩm để bù nước và điện giải có sẵn như dung dịch oresol (ORS), viên hydrite.
Lưu ý, khi sử dụng loại oresol có nồng độ thẩm thấu thấp để hạn chế thời gian tiêu chảy ở trẻ. Cha mẹ chỉ cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, nếu trẻ bị nôn ngay sau khi uống, cần cho trẻ tạm nghỉ trong 5-10 phút.
Đối với trẻ nhỏ đang trong thời kỳ bú mẹ, cần cho trẻ bú mẹ bình thường, không nên kiêng khem quá dẫn tới cơ thể trẻ bị suy nhược.
Sau khi tiến hành các biện pháp sơ cứu tại nhà, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám thực thể, chẩn đoán và điều trị bệnh triệt để, nhanh chóng và an toàn nhất cho bé.