Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với những yếu tố bên ngoài và dễ nhiễm bệnh do hệ miễn dịch vẫn chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn kém. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa là một trong những chứng bệnh phổ biến. Việc tìm ra nguyên nhân và cách xử trí an toàn là mối quan tâm hàng đầu của các bà mẹ.
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ
– Rối loạn tiêu hóa do sức đề kháng kém
Với trẻ nhỏ, các cơ quan trong cơ thể vẫn chưa hoàn thiện chức năng, sức đề kháng còn kém. Do đó, trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài. Hơn nữa, hệ vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa của trẻ cũng chưa đủ sức để ngăn chặn sự phát triển của những vi khuẩn có hại xâm nhập vào từ đường ăn uống, hô hấp. Khi đó, hiện tượng rối loạn tiêu hóa sẽ xảy ra với các biểu hiện như: tiêu chảy, nôn mửa…
– Trẻ bị rối loạn tiêu hóa do sử dụng kháng sinh
Khi xảy ra một số bệnh lý và cần điều trị kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ tiêu hóa ở trẻ. Bởi kháng sinh chính là thủ phạm tiêu diệt vi khuẩn có lợi của đường ruột, gây loạn khuẩn, dẫn tới chứng tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
– Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ do chế độ ăn không hợp lý
Không ít bà mẹ còn khá vụng về trong việc chăm con, cho con ăn những đồ không đảm bảo vệ sinh, hoặc đồ ăn chứa nhiều protein, đường, dầu mỡ…khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy…
Các mẹ cũng không nên cho trẻ ăn quá no hoặc quá nhiều một loại thức ăn nào đó bởi hệ tiêu hóa của con vẫn chưa hoàn thiện, không hấp thụ được hết tất cả thức ăn.
– Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em do tiếp xúc với môi trường không đảm bảo vệ sinh
Trong môi trường sống có chứa rất nhiều vi khuẩn có thể gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em nếu bạn không có biện pháp ngăn chặn, giữ vệ sinh cho bé cẩn thận. Bé chơi đồ chơi, tiếp xúc với thú vật, đồ dùng bám vi khuẩn, sau khi đi vệ sinh không rửa tay… chính là nguy cơ tiềm ẩn gây nên chứng rối loạn tiêu hóa đấy nhé.
– Rối loạn tiêu hóa do các bệnh lý
Rối loạn tiêu hóa cũng là triệu chứng của một số bệnh như viêm dạ dày, viêm đại tràng, viêm ruột… ở trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thêm một số biểu hiện như đầy bụng khó tiêu, chán ăn, kém ăn…
Cần phải làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa?
Khi trẻ có một trong những dấu hiệu như: tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nôn trớ, chán ăn…bạn cần thực hiện ngay những điều này:
– Cho trẻ ăn đồ dễ tiêu như: cháo, bột…chia nhỏ ra các bữa trong ngày.

Ảnh minh họa
– Ăn đủ lượng rau xanh, hoa quả để bổ sung lượng chất xơ và vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ,
– Cho trẻ uống nước hoặc bổ sung nước điện giải khi trẻ bị tiêu chảy,
– Bổ sung men vi sinh để cân bằng hệ vi khuẩn có lợi của đường ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động bình thường,
– Không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đồ nhiều dầu mỡ,
– Vệ sinh môi trường sống của trẻ thường xuyên, đặc biệt những đồ đạc trẻ hay tiếp xúc như: đồ chơi, giường, bàn ghế… tránh vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Nếu những biểu hiện trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, bố mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám và phát hiện sớm bệnh, từ đó có hướng điều trị để hệ tiêu hóa của trẻ phát triển khỏe mạnh.