Nếu trước nay bé vẫn chịu ăn và ăn được khá nhiều, nhưng mấy ngày nay bỗng dưng biếng ăn thì phụ huynh cần phải lưu ý, rất có thể không phải món ăn không ngon, mà do bé bị một số bệnh lý dễ gặp. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất khiến bé bỗng dưng biếng ăn.
1. Trẻ bị đau họng
Đau họng khiến bé nuốt thức ăn khó khăn dẫn đến việc bé không chịu ăn. Tuy nhiên, bé vẫn có thể uống sữa và nước tốt. Để kiểm tra có thực sự bé bị đau họng không, bạn dùng một chiếc thìa dài, sạch cố định lưỡi của bé, rồi dùng chiếc đèn pin soi sâu vào họng bé. Nếu vùng họng ửng đỏ, chứng tỏ bé đang đau họng. Lúc này bạn nên cặp nhiệt độ cho bé bởi có thể bé đang kèm theo cả sốt.
Hãy cho bé nghỉ ngơi, uống nhiều nước lọc dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu kết quả là đúng. Nếu vùng họng của bé có dấu hiệu sưng tấy không kèm theo sốt, bạn nên đưa bé đi khám. Trường hợp này, bé có thể đang mắc phải một chứng bệnh về họng.

Ảnh: Sưu tầm Internet
2. Trẻ bị đau bụng
Đau bụng hoặc bị rối loạn tiêu hóa cũng khiến bé không chịu ăn bởi người mệt mỏi, nông nao khó chịu. Nếu trẻ đi ngoài có phân nhão hoặc lỏng, có biểu hiện gì đó khác thường như phân sống… thì có thể trẻ đang bị chứng bệnh rối loạn tiêu hóa gây đau bụng.
Lúc này, bạn cần cho bé dùng thức ăn dạng lỏng, mềm sao cho bé càng ít phải nhai càng tốt. Cho bé ăn những thức ăn có lợi cho tiêu hóa và cho đường ruột như sữa chua, thức ăn giàu chất xơ bên cạnh việc vẫn sử dụng những món ăn giàu năng lượng như cá, thịt gà hay trứng. Bạn cũng nên cho bé uống thêm nước lọc để bù vào lượng nước bé đã bị hao hụt trong quá trình bị tiêu chảy và hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn.
3. Trẻ bị đầy bụng
Bé bị ép ăn nhiều, ăn phải những món khó tiêu, ăn quá nhiều chất bổ béo nhưng ít vận động sẽ dễ dẫn đến trường hợp bé cảm thấy no lâu, chán ăn. Vì vậy, hãy phân bố khẩu phần bữa ăn cho con hợp lý, cân bằng các dưỡng chất, bên cạnh chất đạm, chất béo, sữa, cần tăng cường trái cây, rau xanh. Bạn cũng nên tránh cho bé ăn quá no, nhất là trong bữa phụ. Hãy cho bé được vận động nhiều hơn để tiêu hao nhanh năng lượng, khiến trẻ cảm thấy đói và thèm ăn hơn.
Mặt khác, tình trạng đầy bụng của bé cũng có thể là do lâu ngày trẻ không đi tiêu được, làm ứ chất thải, khí độc trong người, khiến bé nôn nao, mệt mỏi, khó chịu và chán ăn, ăn không ngon. Trong trường hợp này, bạn cần tăng cường bổ sung chất xơ cho bé từ các loại rau, củ, quả như khoai lang, dưa leo, rau bầu bí… Chế độ ăn này sẽ giúp phân bé mềm, lỏng nên bé dễ đi tiêu hơn. Để khắc phục lâu dài tình trang này, bạn cần cung cấp đầy đủ chất xơ và các chất có lợi cho tiêu hóa trong bữa ăn hàng ngày của bé. Bạn cũng nên duy trì thói quen đi tiêu vào một giờ cố định trong ngày cho con để ngăn ngừa táo bón.